Một loạt chung cư cũ ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Đây là các công trình xây dựng lâu năm, được thiết kế dưới dạng lắp ghép, không còn tính bền vững. Giai đoạn 1954-1976, giải pháp kết cấu nhà lắp ghép lớn đã được áp dụng xây dựng các chung cư: An Dương, Phúc Xá (1-2 tầng); chung cư Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (4-5 tầng); Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, (4-5 tầng)… Hầu hết các công trình này đều không được thiết kế kháng chấn.
Chung cư cũ ít có khả năng chịu được động đất mạnh.
Vào khoảng thời gian từ 1976-1986, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc cũng xây dựng phổ biến loại nhà lắp ghép tấm lớn nhưng đã được tính toán để chịu được động đất. Tuy nhiên, các công trình có kết cấu thi công theo giải pháp này có nhược điểm là khó kiểm soát được chất lượng mối nối. Còn ở miền Nam, phần lớn các công trình xây dựng trước đây đều chưa quan tâm đến kháng chấn.
Đối với nhà ở tư nhân xây dựng trên nền đất, PGS, TS Trần Chủng cho rằng, nhà xây dựng dưới 3 tầng không nhất thiết phải thiết kế chống động đất mà có thể thiết kế cho phù hợp với khả năng chịu động đất như thiết kế đăng đối, không bố trí hình khối bất lợi khi động đất. Đối với nhà 3 tầng trở lên thì phải có thiết kế chống động đất. ( Khoan khảo sát địa chất )
Tuy nhiên, mức chi phí cho công trình chống động đất đắt gấp rưỡi công trình bình thường. Còn đối với các công trình xây dựng đặc biệt hay nhà 40 tầng trở lên thì dứt khoát phải thử nghiệm. Ví dụ như tòa nhà Kengnam đã được làm thử nghiệm về gió và động đất tính đến cấp 8.
Những năm trước, nhiều công trình xây dựng được thiết kế chịu động đất đã được các chuyên gia nước ngoài thiết kế như Lăng Bác, cầu Thăng Long, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La theo tiêu chuẩn Liên Xô (cũ) và tiêu chuẩn Nga (hiện nay).
Đối với những công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên), trong thiết kế xây dựng ngoài việc tính toán tải trọng của bản thân công trình, các loại tải trọng sử dụng (tải trọng đứng) chúng ta còn phải tính toán hai loại tải trọng vô cùng quan trọng là tải trọng của gió bão và tải trọng động đất (tải trọng ngang). PGS, TS Trần Chủng khẳng định, các công trình nhà cao tầng mới xây dựng ở Hà Nội đều đã được tính toán với động đất cấp 8.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ địa chất, Liên đoàn Bản đồ địa chất Việt Nam cho biết: Hiện nay, các chung cư cao tầng khi thiết kế xây dựng đều có tính đến khả năng chống lại cấp động đất. Tuy nhiên, hiện tại việc thiết kế giải pháp chống động đất mới theo tài liệu phân vùng động đất Việt Nam của Viện Vật lý địa cầu.
Đến nay, TP HCM đã thực hiện đề tài "Phân vùng động đất nhỏ khu vực TP HCM và lân cận" làm cơ sở để áp dụng cho thiết kế chống động đất trong khu vực TP HCM. Hiện nay, ở nước ta công tác khảo sát địa chất công trình là công tác không thể thiếu khi thẩm định thiết kế xây dựng.
Ông Nguyễn Đăng Sơn cho rằng: Việc khảo sát địa chất công trình ở nước ta hiện nay đã được áp dụng khi triển khai xây dựng dự án. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn còn coi nhẹ công tác khảo sát nên khi thực hiện công tác khảo sát đã không thực hiện đủ khối lượng, cho nên khi chọn giải pháp nền móng không phù hợp với cấu trúc đất nền, xảy ra hiện tượng nhiều công trình đang xây dựng đã có những sự cố biến dạng công trình, sự cố hư hỏng các công trình bên cạnh, … hoặc khi công trình đưa vào sử dụng đã có những biến dạng, hư hỏng mà báo chí đã phản ánh rất nhiều.
Cần nói thêm, ở nước ngoài chi phí khảo sát địa chất công trình phục vụ xây dựng chiếm từ 5-7% tổng vốn đầu tư. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, công tác khảo sát địa chất công trình chỉ chiếm khoảng 0,1-0,2% tổng vốn đầu tư nên mức độ nghiên cứu địa chất công trình còn nhiều hạn chế.
Việc tuân thủ công tác khảo sát địa chất công trình có tầm quan trọng đối với sự bền vững của công trình, giúp nhà thiết kế lựa chọn giải pháp nền móng phù hợp và thiết kế khả năng chống động đất cho từng vùng trên cơ sở khả năng xảy ra động đất lớn nhất trong khu vực theo tài liệu phân vùng động đất của Viện Vật lý địa cầu hoặc các kết quả nghiên cứu mới về phân vùng động đất do các địa phương thực hiện.
Ngoài ra, trước thực tế có khá nhiều công trình xây dựng đang thi công đã bị sập chứ chưa nói đến động đất như sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sập cầu dẫn đường vành đai 3 Hà Nội…chúng ta phải đặt ra câu hỏi về việc thực hiện theo thiết kế và giám sát công trình. Để bớt chi phí, không ít nhà thầu đã bỏ qua thiết kế chống động đất. Đây là trách nhiệm đặt ra cho cơ quan quản lý, giám sát công trình.